Xử lý đúng cách thiết bị điện sau khi bị ngập nước

Sau thời gian bị ngập lụt, đường dây và thiết bị điện của người dân bị ngập nước có thể gặp sự cố nếu đóng điện trở lại. Ngành điện đã đưa ra khuyến cáo để người dân người dân kiểm tra thiết bị, đường dây điện trong nhà trước khi sử dụng trở lại.

Xử lý đúng cách thiết bị điện sau khi bị ngập nước
Xử lý đúng cách thiết bị điện sau khi bị ngập nước

ĐỐI VỚI HỆ THỐNG ĐIỆN TRONG NHÀ

Khi nước rút và chưa có điện.

– Ngắt tất cả cầu dao, aptomat trong gia đình

– Rút dây cắm điện, nguồn cấp điện cho thiết bị điện ra khỏi nguồn điện

– Kiểm tra kỹ các thiết bị điện trước khi sử dụng để  tránh nguy cơ chập cháy và gây nguy hiểm cho con người do môi trường ẩm ướt dài ngày.

– Kiểm tra đường dây sau công tơ

– Thông báo ngay cho Điện lực địa phương khi phát hiện dây bị đứt, rơi, chạm, chập vào công trình…

Khi điện được cấp trở lại

Tuyệt đối không

– Cắm, bật điện trở lại ngay khi vừa có điện

– Cắm, bật cùng lúc tất cả thiết bị điện hoặc các thiết bị có công suất lớn (bình nóng lạnh, điều hòa nhiệt độ, bàn là, máy giặt…)

Nên:

– Cắm, bật các thiết bị điện có công suất tiêu thụ thấp, để kiểm tra tính ổn định của hệ thống điện lưới cũng như trong gia đình;

– Tiếp tục cắm, bật các thiết bị khác (theo thứ tự ưu tiên thiết bị có công suất thấp trước) khi điện năng đã ổn định;

– Quan sát, lắng nghe xung quanh để phát hiện các tín hiệu về chạm, chập;

– Báo ngay cho Điện lực nếu phát hiện những dấu hiệu bất thường về điện

Trung tâm chăm sóc khách hàng – Tổng công ty Điện lực miền Bắc: 19006769

Trung tâm chăm sóc khách hàng – Tổng công ty Điện lực miền Trung:  19001909

Trung tâm chăm sóc khách hàng – Tổng công ty Điện lực miền Nam: 19001006 – 19009000

Trung tâm chăm sóc khách hàng – Tổng công ty Điện lực Hà Nội:  19001288

Trung tâm chăm sóc khách hàng – Tổng công ty Điện lực Tp Hồ Chí Minh: 1900545454

ĐỐI VỚI CÁC THIẾT BỊ ĐIỆN GIA DỤNG

Sau mưa bão hay ngập lụt, cần kiểm tra và thay thế (nếu cần) các thiết bị như dây dẫn có vỏ bọc bằng nhựa, các bản mạch và thiết bị ngắt điện, hộp cầu chì và cầu chì, công tắc, ổ cắm ngoài… Đối với các thiết bị điện tử bị ngập nước, có thể áp dụng một số biện pháp sau:

Làm sạch 

Nước ngập thường làm cho bùn đất bám vào các thiết bị. Do đó, cần phải làm sạch bằng cách tháo vỏ thiết bị ra, dùng nước sạch rửa vết bẩn và dùng khăn sạch lau khô. Nếu còn bùn, sau một thời gian bùn sẽ hút ẩm và làm hỏng thiết bị.

Làm khô đúng cách

– Bước 1: Dùng quạt máy thổi luồng gió mạnh vào thiết bị đang bị ẩm để nước bốc hơi.

– Bước 2: Khi thiết bị đã tương đối khô, dùng máy sấy để sấy khô. Lưu ý: Linh kiện điện tử chỉ chịu được nhiệt độ 50 – 60 độ C, nên để máy sấy ở nhiệt độ thấp nhất và cứ 2-3 phút nên nghỉ 1 lần rồi lại sấy tiếp, cho đến khi thiết bị khô hẳn.

– Nếu không dùng máy sấy, có thể làm theo cách sau: Đóng hộp gỗ hoặc bìa cứng, cho thiết bị điện, điện tử vào trong, bật sáng khoảng 2 – 3 bóng đèn sợi đốt (bóng đèn tròn) đặt vào hộp và để khoảng 8 giờ. Nhiệt độ bóng đèn tỏa ra khoảng 50 – 60 độ C có thể giúp làm khô thiết bị từ sâu bên trong.

Đo cách điện trước khi cắm

Sau khi làm khô thiết bị điện, không nên cắm điện chạy thử hay sử dụng ngay. Bởi nếu cắm điện vội vàng, thiết bị sẽ có nguy cơ bốc khói, cháy, nổ do có thể giữa các chi tiết máy vẫn còn ẩm. Vì vậy, cần đo điện trở cách điện, đảm bảo độ cách điện tốt. Sử dụng đồng hồ đo vạn năng, điện trở cách điện đảm bảo khoảng 0,5M mới được đóng điện.

Nếu không tự tin về về kết quả sấy khô thiết bị và không biết rõ về cách dùng đồng hồ đo vạn năng, nên mang các thiết bị đến các trạm sửa chữa, bảo hành để được tư vấn, sửa chữa.

Ngoài ra, đối với các thiết bị nhiệt như tủ lạnh, lò nướng, lò vi sóng… ngoài việc sấy khô hoàn toàn, đo lại cách điện cần kiểm tra thêm độ cách nhiệt. Nếu bộ phận cách nhiệt bị ẩm, cần phải sấy khô.

Đánh Giá